Google sở hữu dữ liệu của hàng tỷ người dùng qua nhiều nển tảng từ tìm kiếm, trình duyệt web, Youtube, hệ điều hành Android...
Bê bối của Facebook gần đây gây ra nhiều lo ngại với ngành công
nghiệp quảng cáo trực tuyến đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư
của người dùng. Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, việc
chỉ nhắm chỉ trích đến Facebook không cho thấy bức tranh toàn cảnh của
vấn đề. Một cái tên khác cũng nên nhận được "sự quan tâm" là Google.
Gã khổng lồ tìm kiếm được đánh giá là mối đe dọa không kém so với
Facebook bởi cũng có khối lượng thông tin thu thập rất lớn bao gồm khả
năng theo dõi người dùng sử dụng các trang web, dịch vụ hay ứng dụng của
hãng.
"Có một vấn đề lớn mang tính hệ thống và nó không chỉ giới hạn với
riêng Facebook", Arvind Narayanan, nhà khoa học máy tính tại Đại
học Princeton (Mỹ) nói. Theo lập luận của ông, mô hình kinh doanh của
nhiều công ty đang hướng tới việc vi phạm quyền riêng tư. "Chúng ta cần
hiểu Google cũng có vai trò như vậy trong những việc này", Arvind nói
tiếp.
Các nhà lập pháp tại Mỹ từng chất vấn Facebook về cái gọi là "Hồ sơ
bóng tối" - tập dữ liệu được thu thập của cả những người không có tài
khoản Facebook. Theo Chandler Givens, Giám đốc điều hành của TrackOff,
Goolge cho phép tất cả mọi người, dù họ có tài khoản của Google hay
không, chọn không tham gia các chương trình nhắm mục tiêu, tối ưu quảng
cáo của mình. Tuy nhiên, cũng giống như Facebook, họ tiếp tục thu thập
dữ liệu của bạn dù bạn có đồng ý hay không.
Google Analytics đang là nền tảng phân tích dữ liệu phổ biến nhất
trên Internet hiện nay. Nó được sử dụng trên các trang web của khoảng
một nửa số công ty lớn nhất ở Mỹ. Trên thế giới, nền tảng này được tích
hợp vào trong 30 đến 50 triệu trang web. Google Analytics cũng theo dõi
bạn ngay cả khi bạn có đăng nhập hay không.
Với những người sử dụng tài khoản Google (con số lên đến hàng tỷ) sẽ
được theo dõi theo nhiều cách hơn. Trong năm 2016, Google đã thay đổi
điều khoản dịch vụ, cho phép hãng hợp nhất dữ liệu theo dõi và quảng cáo
với thông tin nhận dạng cá nhân từ các tài khoản Google.
Mặt khác, Google còn sử dụng nhiều thông tin như lịch sử duyệt web,
tím kiếm, các ứng dụng được người dùng cài đặt bao gồm cả thông tin nhân
khẩu học như tuổi tác, giới tính từ các nguồn của chính Google cũng như
các nguồn web khác bao gồm cả trong thế giới thực. Google cho biết họ
không sử dụng thông tin từ các "danh mục nhạy cảm" như chủng tộc, tôn
giáo, khuynh hướng tình dục hoặc sức khỏe. Do tính năng liên kết tài
khoản, hãng có thể phát hiện người dùng đã đăng nhập bất kể đang dùng
thiết bị nào.
Đây chính là những lý do tại sao Google, Facebook chiếm ưu thế trong
quảng cáo trực tuyến ngày nay. Bằng cách sử dụng lượng lớn dữ liệu cá
nhân vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, các đối tác đặt quảng cáo có thể
xác định những ai, ở đâu thật sự quan tâm đến sản phẩm của họ. Và điều
trớ trêu với người dùng là cho dù họ có tự tiết lộ điều này hay không,
chúng vẫn xảy ra.
Google đang hợp tác với khoảng 4.000 nhà môi giới dữ liệu ở Mỹ và họ
biết mọi thứ về người dùng. Nếu bạn mới có thai, đã ly hôn hoặc đang cố
gắng để giảm cân, họ thậm chí còn biết trước cả người thân của bạn.
Google cho biết có làm việc trực tiếp với một số công ty môi giới nhưng
không sử dụng để nhắm mục tiêu dựa trên các thông tin nhạy cảm.
Hệ điều hành Android đang có hơn hai tỷ thiết bị cài đặt.
Nhưng trên hết, Google còn đang sở hữu nguồn khai thác dữ liệu khổng
lồ từ khoảng hai tỷ thiết bị Android trên toàn thế giới. Đây cũng là nền
tảng cho thiết bị di động phổ biến nhất hiện nay, vượt trên cả iOS của
Apple. Theo Woodrow Hartzog, Giáo sư Luật tại trường Đại
học Northeastern (Mỹ), Android giúp các công ty bên thứ ba có thể thu
thập dữ liệu người dùng và Google phải có trách nhiệm khi các dữ liệu đó
không được sử dụng đúng cách.
Ví dụ điển hình nhất là Facebook liên tục thu thập lịch sử cuộc gọi,
tin nhắn của người dùng Android. Tuy nhiên, mạng xã hội này không thể
làm điều tương tự với iOS của Apple - hệ điều hành được thiết kế với
tính bảo mật tốt hơn.
Những bản cập nhật Android gần đây bắt các nhà phát triển ứng dụng
phải hỏi người dùng về quyền cung cấp thông tin cá nhân. Google cũng cho
biết đã cấm những gì họ cho là phục vụ cho nhu cầu lừa đào người dùng.
Nhưng cách làm này thực sự chưa triệt để. Ví dụ, ứng dụng Gmail sẽ được
yêu cầu bật lại quyền truy cập camera, micro của thiết bị cho đến khi
người dùng nói "Có". Tương tự trên Android, Google Maps yêu cầu người
dùng bật dịch vụ vị trí mọi lúc nhưng điều này cho phép họ có thể quảng
cáo đúng mục tiêu theo vị trí địa lý.
Gần đây nhất, cả Facebook và Google đều phản đối Dự thảo đạo luật bảo
mật thông tin người dùng California (California Consumer Privacy Act)
với những lý do khá mơ hồ. Đạo luật này cung cấp cho người tiêu dùng 3
sự bảo vệ cơ bản bao gồm: quyền yêu cầu doanh nghiệp không chia sẻ hoặc
bán thông tin cá nhân của bạn, quyền biết nơi dữ liệu của bạn được bán
hoặc chia sẻ và quyền biết rằng các nhà cung cấp dịch vụ có bảo vệ thông
tin của bạn không.